Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Trọng Tín, đặt vấn đề, từ nhiều năm qua, TPHCM đặt quyết tâm đẩy mạnh việc cải cách hành chính để giảm thiểu các thủ tục rườm rà cho người dân. Tuy nhiên, trung tâm của mọi vấn đề vẫn là yếu tố con người để vận hành bộ máy đó. TPHCM đã và sẽ làm gì để nâng cao đạo đức của các cán bộ công chức?
Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà thừa nhận: TPHCM hiện đang thực hiện chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nâng cao đạo đức của đội ngũ công chức nhà nước. Nhưng cái khó hiện nay, chúng ta chưa có những dòng chảy để chắt lọc trình độ cũng như đạo đức của cán bộ công chức, nếu họ không vi phạm kỷ luật. Điều này dẫn đến thực trạng, một người đã là công chức thì sẽ là công chức cả đời! Đây là một lực cản lớn trong quá trình thực hiện cải cách hành chính.
Về vấn đề con người, ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, bức xúc cho rằng, hiện nhiều DN đang lâm vào tình trạng thiếu lao động. Với những DN kỹ thuật cao cũng luôn phải đối mặt với việc “đãi cát tìm vàng” do lao động được tự do “nhảy việc”. Trong khi đó, DN cho lao động nghỉ việc mà không đưa ra những lý do chính đáng, hoặc không đáp ứng kịp thời quyền lợi của họ thì nhiều khả năng DN sẽ vấp vào những vụ kiện tụng phức tạp. Bất cập trong quy định về sử dụng lao động không chỉ diễn ra ở các cơ quan công quyền mà ngay cả các DN cũng đang phải chịu đựng đến suốt đời! Pháp luật cần phải sửa đổi sớm mới có thể thay đổi cơ bản về cải cách hành chính, cũng như sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao tại các DN.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng, hải quan và thuế là những vấn đề được đề cập rất nhiều tại các cuộc họp, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Nhiều DN vẫn phải nhắm mắt “lót tay” nhân viên hải quan cho xong việc. Chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm quá đắt đỏ, làm nản lòng DN.
May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty Ánh Kim, cho biết, công ty đang kinh doanh 200 danh mục hàng thủy hải sản. Để hàng hóa ra được thị trường, 1 danh mục sản phẩm phải tốn 30 triệu đồng mới có được giấy kiểm định chất lượng do Sở Y tế cấp. Theo tính toán của bà Huyền, với 200 sản phẩm, DN tốn khoảng 6 tỷ đồng, mới có thể hợp thức hóa chất lượng. Đây là một chi phí vượt ngoài khả năng của DN, có cách nào để kéo giảm xuống không?
Liên quan đến chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2016, 6 chương trình đột phá của TPHCM, hầu hết các DN đều rất đồng thuận. Tại cuộc họp, một số doanh nhân cho biết, họ đã kêu gọi được cả tỷ USD từ nước ngoài để tham gia vào một trong 6 chương trình đột phá của TPHCM. Nhiều doanh nhân cũng hiến kế cho lãnh đạo TPHCM là nên dành ưu đãi 20ha đất tại khu công nghệ cao cho các doanh nhân trẻ có cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực phát triển năng lượng xanh. Lãnh đạo TPHCM nên là những người gương mẫu trong việc sử dụng và tiết kiệm nhiên liệu, tăng cường sử dụng nguồn nước và năng lượng từ thiên thiên…
Cuối cùng, để đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần DN, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa phát triển, TPHCM cần đi đầu trong việc bảo lãnh để DN tiếp cận được với các nguồn vốn như ODA.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Cá nhân tôi sẵn sàng hàng tháng gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với các DN ít nhất một lần. Tôi là người phụ trách trực tiếp 2 trong số 6 chương trình đột phá kinh tế của TPHCM, do vậy rất mong các DN tích cực tham gia vào các chương trình, tiếp tục hiến kế cho lãnh đạo TPHCM. Suy cho cùng cái gốc để xây dựng một TPHCM văn minh, giàu đẹp là chúng ta phải có một đội ngũ DN hùng mạnh. Do vậy, lãnh đạo TPHCM sẽ đồng hành để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển”.
Nguồn SGGP