Tin tức sự kiện
Ngân hàng, doanh nghiệp và niềm tin cần gầy dựng lại
Kinh tế suy giảm, ngân hàng suy giảm lòng tin vào doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp cũng suy giảm lòng tin lẫn nhau. Thiếu hợp tác, môi trường kinh doanh vốn đã khó khăn lại càng thêm chật vật. Đây là một trong những chia sẻ đáng suy ngẫm tại buổi đối thoại giữa ngân hàng Nhà nước (NHNN), UBND TP Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp cuối tuần qua.


Hiện tại, ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu – lĩnh vực ưu tiên – cũng khó vay vốn. Ảnh: Lê Quang Nhật

Bên cạnh mối quan tâm, lo lắng về vấn đề lãi suất, điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng, tổng giám đốc công ty TNHH Lexim Trần Thu Hà đã gây chú ý khi đề cập đến câu chuyện niềm tin trong hợp tác kinh doanh. Lexim, 11 năm liền là khách hàng vay vốn có uy tín, “chưa trả chậm một ngày nào”, song vừa qua, gõ cửa chi nhánh Hà Nội của ngân hàng Vietinbank, đã phải đi lại cả tháng trời, vẫn chưa xong được phần thủ tục.

Kinh tế suy giảm, lòng tin mất mát

Niềm tin mất mát không chỉ giữa ngân hàng với doanh nghiệp, mà còn xảy ra giữa chính các doanh nghiệp với nhau. Là doanh nghiệp cung cấp các máy móc, thiết bị xây dựng cơ sở hạ tầng, sáu tháng liền, Lexim không bán được sản phẩm nào, doanh thu chỉ trông chờ vào hoạt động cho thuê. Bà Hà chia sẻ thẳng thắn: “Ngày nào chúng tôi cũng phải lo lắng, đối tác có khó khăn gì không? Lãnh đạo doanh nghiệp thường xuyên xuống tận công trường, nếu thấy xuất hiện vấn đề gì là thu máy móc về ngay. Điều chúng tôi mong mỏi là thời gian tới, làm sao có thể tạo dựng niềm tin trở lại”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, để tạo dựng niềm tin, các ngân hàng phải đẩy mạnh minh bạch, công khai trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Bản thân các chính sách kinh tế vĩ mô cũng phải có sự ổn định, thậm chí có khả năng dự báo cao, từ đó góp phần tạo dựng niềm tin cho thị trường.

Cũng liên quan đến vấn đề niềm tin, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Intimex Đỗ Hà Nam đã kể câu chuyện về một doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng điều đang đứng bên bờ vực phá sản, thậm chí có thể vướng vòng lao lý. Theo đó, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhập khẩu 10 tấn điều để chế biến, giá thời điểm nhập khoảng 40.000 USD. Đến thời hạn trả nợ, bị ngân hàng thúc ép, doanh nghiệp này đã phải vay nóng từ bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Trước thông tin doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngân hàng khác cũng lao vào đòi tiền, xiết nợ lô hàng – nay giá trị giảm chỉ còn khoảng 20.000 USD, lại cộng thêm khoản nợ vay vốn chợ đen, dồn doanh nghiệp bên bờ vực vỡ nợ, thậm chí có nguy cơ mắc tội lừa đảo. Ông Nam cho rằng, nếu ngân hàng cho vay có kinh nghiệm, có niềm tin, thay vì thúc ép sẽ hợp tác với doanh nghiệp để tìm hướng tháo gỡ, vì khó khăn chỉ mang tính chất thời điểm.

Bản thân Intimex cũng mất niềm tin ở một số ngân hàng vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, thậm chí thiếu chữ tín khi “sáng nắng chiều mưa, nay cho vay, mai lại đòi, rất rủi ro”. Hiện doanh nghiệp này chọn ba ngân hàng đối tác vì nếu chỉ trông vào một cửa, ngân hàng “đổi thái độ” là doanh nghiệp lãnh đủ!

Giảm lãi suất: trông đợi tự nguyện


Những thông tin kể trên chỉ ra rằng sự mất mát lòng tin là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự đổ vỡ, phá sản doanh nghiệp. Phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Trần Anh Vương nói: “Năm ngoái, chúng tôi đại diện cho 800 doanh nghiệp, nhưng năm nay chỉ còn đại diện cho 650 doanh nghiệp”.

Trong khi đó, thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định, việc tiếp cận vốn sẽ vẫn tiếp tục không dễ dàng trong sáu tháng cuối năm, bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 chỉ ở mức 8 – 10%. Thống đốc nêu quan điểm: “Sáu tháng đầu năm, tín dụng mới nhú lên được mặt đất, nhưng nếu đặt mục tiêu tăng trưởng cao, dồn cả vào sáu tháng cuối năm thì sẽ rất nguy hiểm cho lạm phát”.

Đại diện hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, nêu vấn đề: thống đốc đã chỉ đạo các ngân hàng đưa lãi suất những khoản cho vay cũ về dưới 15%/năm. Lãnh đạo NHNN TP.HCM đã cụ thể hoá nội dung này bằng văn bản, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp có thể “tố” trường hợp ngân hàng không thực hiện. Ông Vương hỏi: trường hợp ngân hàng không thực hiện, NHNN có biện pháp xử lý ra sao? Thống đốc ít nhiều gây bất ngờ khi trả lời: “Đây chỉ là đề nghị của NHNN với các ngân hàng thương mại, với mong muốn các ngân hàng chia sẻ cao nhất với các doanh nghiệp. Do vậy, cũng khó để nói ngân hàng phải làm, nếu không làm phải bị xử lý”.

Mặc dù ông Bình đã trấn an các doanh nghiệp khi cho biết, đến nay, đại đa số các ngân hàng đều đã có văn bản cam kết sẽ thực hiện, NHNN sẽ tổng hợp và thông tin đầy đủ, nhưng điều này không khỏi khiến doanh nghiệp lo lắng khi mà giữa ngân hàng và doanh nghiệp, niềm tin đang sứt mẻ. Lo lắng này là có cơ sở khi mà trong thời gian dài, ngân hàng và doanh nghiệp có tiếng nói khác nhau. Ngân hàng tuyên bố có gói ưu đãi, lãi suất đã giảm. Doanh nghiệp thì bảo khó tiếp cận vốn, lãi suất vẫn cao!

Nguồn sgtt.vn


Tin đã đưa:


TRÂN TRỌNG CẢM ƠN
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐẠI HỘI QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG
NHIỆM KỲ III (2024 - 2029)


TÀI TRỢ VÀNG


TÀI TRỢ BẠC



TÀI TRỢ ĐỒNG



HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP.HCM - QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG

Lầu 3, Số 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 - ĐT: (08) 3915 2477

E-mail: info@quydoanhnhanvicongdong.org.vn

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ