Tin tức sự kiện
Lớp học không bảng đen, phấn trắng
“Ngày bác sĩ nói chân mình không thể nào “cứu” được, tôi buồn ghê gớm. Tôi khóc như chưa bao giờ khóc. Với nhiều người, đó là khoảng thời gian cay đắng, sụp đổ hoàn toàn, nhưng tôi lại tìm cái may trong sự không may mắn đó…” Cầm những tấm ảnh cũ ghi lại những ngày còn mặc áo dài, đứng trên bục giảng, cô giáo Trần Thị Hoa (khu phố 5A, phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) hồi tưởng lại những ngày đã qua...

Tai nạn bất ngờ

 

Không đứng lớp được, cô Hoa vẫn dạy trong lớp học đặc biệt của mình. Ảnh:

Đó là một ngày đầu hè năm 1996, thấy các em nhỏ trong xóm đến xin hái ổi, sợ các em trèo cây nguy hiểm, cô giáo trẻ Trần Thị Hoa đã trèo lên hái cho các em và tai nạn cũng bất ngờ ập đến. Ngã từ trên cao xuống, cô Hoa bị gãy cột sống và liệt nửa thân người. Vậy là cô phải vĩnh viễn rời xa trường lớp sau 19 năm gắn bó. Những tấm ảnh cô cầm trên tay, chụp cùng với đồng nghiệp, với những đứa học trò người dân tộc đủ để thấy cô đã từng có những ngày tháng tươi đẹp, đầy nhiệt huyết với trường lớp, với nghề.

“Khi biết mình không còn được tiếp tục đứng trên bục giảng, tiếp tục công việc yêu thích nữa, tôi buồn lắm. Nhưng chuyện cũng đã xảy ra, thì đành chấp nhận sống. Nói thật, tôi không nghĩ là mình sẽ sống đến bây giờ, mà chỉ sống một thời gian rất ngắn. Chính vì nghĩ như vậy nên tôi cố gắng sống bằng tất cả tấm lòng của mình…” Đó cũng chính là lý do cô Hoa nhận lời dạy viết chữ, làm toán cho một em nhỏ gần nhà, vì chưa có giấy khai sinh, không được đến lớp. Và cũng từ cái nhân duyên đó mà lớp học không bảng đen, phấn trắng của cô ra đời.

Ngôi nhà nhỏ của cô ở từ lâu đã trở thành mái trường của những em bé nghèo trong khu phố. Ban đầu chỉ có vài ba học trò, dần dần phụ huynh mang con đến gửi nhiều hơn. Lớp học đặc biệt, cô giáo đặc biệt và học trò cũng đặc biệt không kém. Mỗi em là một số phận không may, một hoàn cảnh nghèo khó. Có em do phụ huynh không đủ tiền trang trải khi học ở các trường chính quy, có em mồ côi cha mẹ phải sống với ông bà, có em khuyết tật nhưng gia đình không đủ điều kiện cho học các trường chuyên biệt… Em nào cô cũng đón nhận bằng cả tấm lòng. Cứ loay hoay làm toán, luyện chữ bên chiếc bàn nhỏ, chốc chốc, từng em lại cầm tập sang giường để cô kiểm tra, chỉ bảo.

Người “trợ giảng” đặc biệt

 

Cô Hoa cùng người mẹ cũng là người “trợ giảng” giúp cô tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Ảnh:

Do học trò độ tuổi không đồng đều nên việc dạy học của cô Hoa khó khăn, vất vả rất nhiều. Càng khó khăn hơn khi cô cứ phải nằm trên giường, không thể nào di chuyển để cầm tay, nắn chữ cho từng em. Chính vì vậy mà lớp học ấy có một người “trợ giảng” rất đặc biệt, đó là bà Phạm Thị Tin, người mẹ già của cô Hoa. Từ ngày cô Hoa bị tai nạn đến giờ, bà đã là đôi chân, đôi tay, là chỗ dựa tinh thần duy nhất để cô vượt qua những ngày gian khó. Khi bà giúp con gái mình lấy quyển sách, cây viết, lúc bà giúp cô la rầy đám học trò nghịch ngợm. Bà cũng là người lo cho con gái mình từng giấc ngủ, từng bữa cơm nghèo.

Năm 1969, cha cô Hoa qua đời sau một cơn tai biến để lại cho mẹ cô một nách bảy đứa con thơ. Khi ấy, đứa em út của cô Hoa chỉ vừa hai tháng tuổi. Từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, không có người thân bên cạnh nên suốt những năm tháng ấy mẹ cô tần tảo làm thuê nuôi các con khôn lớn. Trong các con của bà Tin, chỉ có mình cô Hoa chịu khó, chịu khổ, theo đuổi việc học đến nơi đến chốn. Nỗi mừng vui nhìn con lớn khôn, có công ăn việc làm chưa trọn thì đứa con hơn 30 tuổi đời ấy lại ngả vào vòng tay mẹ như thuở còn thơ bé.

Gia tài của hai mẹ con cô Hoa hiện giờ chỉ là căn nhà nhỏ giản đơn và mảnh vườn trồng ít rau vặt. Vất vả như vậy nhưng cô Hoa luôn mở cửa cho tất cả trẻ em nghèo. Có phụ huynh gửi con giúp cô 50.000 – 100.000 đồng mỗi tháng, ai không có thì cô dạy giùm, với những em nhỏ khiếm khuyết cô không nhận tiền bồi dưỡng. Khoản đóng góp ít ỏi đó, hai mẹ con chắt chiu duy trì lớp học. Đó cũng là nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống hai mẹ con cô. Ít ai biết được rằng, có những bữa, cô Hoa và mẹ phải ăn mì gói thay cơm vì hết tiền mua gạo.

Năm nay người mẹ đã 85, người con cũng đã bước qua tuổi 54. Ở cái tuổi bên kia con dốc cuộc đời, người mẹ ấy vẫn chưa được thanh thản để chuẩn bị cho cuộc ra đi dài của đời người…

13 năm qua, cô giáo Hoa vẫn nằm đó, bên chiếc giường cũ kỹ của mình. Thế hệ học trò đầu tiên của cô đã bắt đầu vào đại học, nhiều em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc. Sức khoẻ của cô Hoa ngày một yếu đi, nhưng những gì cô đã trao tặng cho cuộc sống, cho trẻ em nghèo ở vùng quê này vẫn cứ âm thầm như những hạt mầm đang vươn mình lớn dậy từng ngày.

Bích Uyên

Câu chuyện về lớp học của cô Trần Thị Hoa sẽ được giới thiệu vào lúc 21 giờ 40 phút, tối thứ ba 13.9 trên kênh HTV9 trong chương trình Tiếp sức người thầy. Rất mong nhận được từ quý bạn đọc những đóng góp về vật chất và tinh thần dành cho cô giáo nhiều nghị lực này. Mọi đóng góp xin gửi về: báo Sài Gòn Tiếp Thị, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, ĐT: 08.39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gởi vào tài khoản của chương trình: quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM. Để xem lại chương trình, bạn đọc có thể truy cập tại địa chỉ sgtt.vn/sgtt phim sau ngày 13.9.

 

(SGTT)


Tin đã đưa:


TRÂN TRỌNG CẢM ƠN
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐẠI HỘI QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG
NHIỆM KỲ III (2024 - 2029)


TÀI TRỢ VÀNG


TÀI TRỢ BẠC



TÀI TRỢ ĐỒNG



HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP.HCM - QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG

Lầu 3, Số 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 - ĐT: (08) 3915 2477

E-mail: info@quydoanhnhanvicongdong.org.vn

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ