Khu xóm trọ sau chợ Long Biên (Hà Nội) không ai không biết đến câu chuyện về vợ chồng bà Hà Thị Nhạn(sinh năm 1942). Bà Nhạn năm nay đã 73 tuổi, nhưng ngày ngày vẫn cặm cụi nhặt phế liệu mưu sinh, gom góp từng đồng tiền chữa bệnh cho chồng. Dù cuộc sống khốn khổ, nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau để sống.
Theo chân bà Nhạn về phòng trọ nhỏ của ông bà sau chợ, mới thấy hết cảnh nghèo và túng quẫn của đôi vợ chồng già. Gọi là phòng trọ cho sang, nhưng thực chất là cái lều cũ kỹ, rách nát. Ngày nắng nóng, ánh mặt trời rọi như thiêu đốt, ngày mưa bà Nhạn lo nơm nớp nước ngập phòng. Trong không gian hạn hẹp, những bao nilong, những đồ phế liệu cũ được chất đầy. Cuộc sống chật vật là vậy, nhưng chưa khi nào bà Nhạn nghĩ mình khổ, bà chỉ lo cho chồng. Bà lo những lúc bà đi làm, một mình ông ở nhà hẳn sẽ buồn lắm vì không có người trò chuyện, lại chẳng thể có được bữa ăn đàng hoàng, chẳng thể vệ sinh cho sạch sẽ.
Bà Nhạn đi nhặt nhạnh những phế liệu cũ mưu sinh.
Cách đây 5 năm, khi cuộc sống ở quê nhà Vĩnh Phúc quá khó khăn, ông bà quyết định lên thủ đô mưu sinh. Bà Nhạn kể: “Ở quê, tôi có 2 sào ruộng, trồng cấy quanh năm cũng chỉ đủ ăn vậy thôi, những lúc đau ốm, túng thiếu, chẳng kiếm nổi một đồng trả nợ. Vậy nên 2 thân già quyết định xuống Hà Nội mưu sinh. Lúc đó tôi đã 68 tuổi rồi”.
Biết ý định của bố mẹ, các con của ông bà phản đối, ai cũng thương bố mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn phải mưu sinh kiếm sống. Nhưng 4 người con trai của ông bà cũng đều đang trong cơn khốn khó, người đau yếu quanh năm, người lại có cuộc sống quá nghèo túng.
Hơn 1 năm sau khi xuống Hà Nội, không ngờ bệnh tật quật ngã ông Đặng Ngọc Tân (sinh năm 1936) – chồng bà. Trong một lần đi nhặt rác mưu sinh, ông bị trúng gió. Sau một trận cảm sốt, chân ông teo lại, co quắp. Thương chồng, bà Nhạn đi vay mượn khắp nơi, cộng thêm chút ít tiền tiết kiệm đưa chồng đi châm cứu nhưng không khỏi.
Dìu chồng về nhà trọ sau chợ Long Biên, bà Nhạn xót xa khi ngày ngày nhìn chồng chỉ nằm trên giường bệnh. Kể từ ngày đó, bà một mình mưu sinh, làm bằng sức của hai người với mong muốn kiếm thêm tiền chữa bệnh cho chồng và lo chi tiêu, sinh hoạt.
Hàng ngày, cứ tối đến bà lại bán phế liệu, thu nhập một ngày cũng được hơn 20 nghìn đồng. Khoảng 11h đêm bà bắt đầu một ngày mưu sinh đến 5h sáng mới trở về phòng trọ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà dí dỏm: “Hồi mới lên đây, tôi bán xôi, ông nhà bán sáo, bán điếu cày. Nhưng đi bán xôi buổi đêm, mấy lần bị ngã, mất cả nồi xôi, ông ý bảo tôi thôi chuyển qua nghề nhặt rác, có ngã cũng chẳng mất gì”.
Thu nhập chẳng đáng là bao, vậy mà bà phải chia năm, sẻ bảy món tiền, phần để dành mua thuốc, phần để trả tiền phòng trọ, phần còn lại ông bà lo ăn uống. “Nhiều bữa chẳng có gì ăn, chỉ có cơm trắng, nhưng may mắn thời gian gần đây chúng tôi cũng được mọi người giúp đỡ, nên có thêm cái ăn, cái mặc. Nhiều người cũng khuyên tôi nên đưa ông ấy về quê, để các con cùng chăm sóc, nhưng các con tôi cũng khó khăn, chẳng muốn làm phiền chúng nó. Hai thân già tự chăm sóc cho nhau, con chăm cha, làm sao bằng bà chăm ông được”, bà nói.
Sau những giờ mưu sinh cực khổ ngoài đường, bà Nhạn quay về phòng trọ lo cơm nước, chăm sóc cho người chồng nằm liệt một chỗ. “Bà ấy vừa là vợ, vừa kiêm cả “y tá” cho tôi. Ngày nào bà ấy cũng xoa bóp chân, tay cho tôi đỡ mỏi. Lúc nào bà ấy cũng nuôi hy vọng đôi chân của tôi có thể đi lại được. Thương vợ, mà chẳng biết nên làm thế nào cả cô ạ”, ông Tân buồn rầu nói.
Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, ông bà không về quê. Anh con út lên thăm và ở chơi với bố mẹ vài ngày. “Hôm đó tôi đi làm tới ngày mùng 1, nghỉ mùng 2 Tết, mùng 3 lại tiếp tục đi làm. Ngày Tết vẫn phải mưu sinh chứ lấy gì mà sống? Cô hỏi tôi 8/3 mong muốn gì, tôi chẳng mong gì ngoài việc đôi chân chồng tôi đi lại được. Chỉ cần ông ấy có sức khỏe thì nghèo khổ tới lúc chết tôi cũng cam lòng. Vậy nên người ta mong có 8/3, chứ với tôi ngày nào cũng là ngày mưu sinh cả”.
Bà Nhạn lúc nào cũng tận tình chăm sóc cho chồng.
Đã ở cái tuổi gần đất, xa trời, nhưng món quà to lớn nhất mà bà Nhạn từng được nhận vào các dịp kỷ niệm chính là… đồ ăn, quần áo cũ mà các nhóm thiện nguyện đem tới. “Cuộc sống khốn khó, lấy đâu ra tiền mà tặng cái này, cái kia cho nhau. Chúng tôi có ăn là tốt rồi, còn quà thì có lẽ, sống với nhau từng ấy năm, có từng ấy đứa con chắc là món quà… to nhất với cuộc đời của tôi”, bà Nhạn thủ thỉ.
Nói rồi bà nhìn ra khoảng sáng phía trước, ánh mắt xa xăm. Bà bảo, mấy hôm trước trái gió, trở trời, ông nhà lại kêu đau nhức. “Nghe ông ấy kêu vậy, tôi sốt ruột lắm, chỉ biết động viên ông cố nhắm mắt ngủ cho qua cơn đau, để tôi còn yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi cả 2 thân già. Nhưng may mắn là mấy hôm nay ông ấy đỡ đau hơn, ông ấy hay hỏi han và động viên tôi cố gắng giữ gìn sức khỏe. Chỉ cần vậy là tôi thấy vui rồi”.
Trong suy nghĩ của người phụ nữ tần tảo ấy, sức khỏe của chồng mới chính là món quà quý giá nhất bà mong muốn được nhận. Vậy nên, dù phải thức trắng đêm lang thang ngoài đường phố, bà cũng không quản ngại vất vả. Ngược lại, ông Tân – chồng bà, hiểu được nỗi khổ của vợ nên nhiều lần ông chẳng dám ăn uống, đau đớn cũng chẳng dám kêu ca nhiều để vợ yên tâm lo công việc. Câu chuyện về cuộc sống, tình cảm của đôi vợ chồng già dành cho nhau khiến không ít người lao động nghèo quanh xóm trọ cảm phục.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:
Bà Hà Thị Nhạn
Khu xóm trọ sau chợ Long Biên, HN.
SĐT: 0936068334
Theo Tinn