Tin tức sự kiện
Tổng giám đốc Tiến Lộc Group - doanh nhân Lã Thị Lan: Biết đủ là đủ
Điều hành tập đoàn với 10 công ty con trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản..., nhưng nhờ áp dụng mô hình quản lý hiện đại mà bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Tiến Lộc Group vẫn có nhiều thời gian cho công việc của một Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cùng Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng.

Vào các dịp cuối tuần hay ngày lễ, Tết, trong khi nhiều người quây quần bên gia đình thì bà lại mang niềm vui đến cho các em nhỏ, những người già neo đơn, người nghèo ở vùng sâu vùng xa...

Bà Lan là  người sống nội tâm, tình cảm và hướng thiện vì nghĩ rằng cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn. Hơn nữa theo bà, đối với một người mẹ, làm việc gì đó có ích cũng là cách "tu nhân tích đức" cho con.

Hiện nay, người nghèo ở Việt Nam còn nhiều và các doanh nhân như bà may mắn còn có thể làm ra tiền, có thể giúp ích cho nhiều người khác. Trên quan điểm này, bà Lan đã cùng nhiều doanh nhân khác thành lập Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng từ 8 năm trước.

Từ vài tỷ đồng đóng góp từ những người sáng lập, đến nay Quỹ đã vận động được một nguồn kinh phí khá lớn cho các hoạt động từ thiện hằng năm. Cụ thể, từ năm 2017 đến tháng 10 năm nay, nhờ sự đóng góp của các mạnh thường quân, đã có gần 18 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo.

* Để quỹ có được số tiền hàng chục tỷ đồng như vậy, hẳn bà và những người sáng lập Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng phải tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của các doanh nhân?

- Quỹ thành lập với hội đồng quản lý lên đến 12 người và hầu hết đều kiêm nhiệm. Khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng tôi phải có phương pháp làm việc khoa học, tuân thủ nguyên tắc tài chính minh bạch. Nhờ có sự hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cả về nhân lực lẫn vật lực chúng tôi mới hoàn thành tốt việc được giao.

Làm công việc này, chúng tôi xác định phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, thậm chí cả những thị phi. Làm từ thiện là để nhận được niềm vui, nhận được nụ cười, vì thế sẽ thấy công việc mình làm dù khó khăn vất vả cũng sẽ nhẹ nhàng. Tôi đã rất vui khi các anh chị doanh nhân đồng hành cùng chương trình cho biết, giao cho các anh chị Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng là chúng tôi yên tâm.

* Nhưng ngoài việc điều hành Quỹ, bà còn làm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và điều hành doanh nghiệp của gia đình. Làm thế nào để bà có thể vừa "vác tù và hàng tổng" vừa điều hành đến 10 công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau?

- Với vai trò Giám đốc Quỹ, đồng thời là Trưởng Ban Xã hội cộng đồng của Hiệp hội nên mọi hoạt động đều liên thông với nhau. Ngoài chăm lo cho cộng đồng, chúng tôi còn chăm lo cho các doanh nghiệp hội viên, công nhân của các công ty nên cũng thuận tiện.

Còn với Tiến Lộc, chúng tôi đã có hơn 20 năm phát triển và hiện tại ở quy mô tập đoàn đầu tư đa ngành. Tiến Lộc chuyên sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính vào khách sạn 5 sao, các công ty về xây dựng. Mặc dù hoạt động nhiều mảng nhưng nhờ áp dụng cơ chế quản lý mới nên công việc cũng dễ hơn với người điều hành.

Hiện nay, trên 50% công ty con của Tập đoàn thực hiện theo hình thức khoán chỉ tiêu. Chúng tôi chỉ đầu tư tài chính, kiểm soát và định hướng chiến lược kinh doanh. Các giám đốc công ty tự quản lý, tự kinh doanh và nộp ngân sách cho Tập đoàn theo kiểu lời ăn lỗ chịu. Sau khi áp dụng mô hình này, lợi nhuận của Tập đoàn tăng, thu nhập của người lao động tăng nhiều so với trước. Các giám đốc công ty đã mua được nhà, xe ô tô, có những người còn cho con đi học nước ngoài.

Áp dụng mô hình này là tôi chấp nhận chia sẻ lợi nhuận cho những người quản lý, đồng hành với mình. Nhưng với tôi "biết đủ là đủ". Khi biết chia sẻ mới nhận được sự sẻ chia và giữ được những người giỏi gắn bó với Tập đoàn. Nhờ có họ mà tôi có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội.



* Tiến Lộc từng nổi tiếng trong lĩnh vực xe máy nhưng những năm gần đây rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Vì sao vậy, thưa bà?

- Trước đây, Tiến Lộc sản xuất xe máy chạy xăng nhưng theo xu thế mới, chúng tôi chuyển sang sản xuất xe đạp điện và xe máy điện. Hiện tại, 70% công suất nhà máy dành cho xe đạp điện và các thiết bị điện khác, 30% còn lại cho xe máy xăng.

Sản xuất xe đạp điện là tham gia ngành công nghiệp sạch và chúng tôi đã đi đúng xu thế của thế giới. Vì là công nghiệp sạch nên chi phí cao, giá thành sản phẩm cao, thị trường còn hạn hẹp nên trong thời gian đầu, Tiến Lộc phải chấp nhận chưa thể đạt được công suất như mong muốn.

Nông nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp công nghệ cao đã được Nhà nước nói đến cả chục năm qua nhưng đến nay việc ứng dụng và hiệu quả đạt được cũng chỉ khoảng 20 - 30%. Kể cả ngành công nghiệp phụ trợ cũng thế. Các doanh nghiệp phải đầu tư theo quy trình tự động hóa, sản xuất thông minh. Mà đầu tư lớn thì giá thành cao, khó cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại. Khó khăn là vậy nhưng không thể không làm vì đứng yên sẽ tụt hậu.

Đã có nhiều đơn vị tư vấn tài chính đề nghị chúng tôi cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán, nhưng tôi không đồng ý. Vì đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị thâu tóm sau khi lên sàn. Tôi muốn giữ công ty của mình, phải cố gắng làm chủ, dù nhỏ. Hiện các nhà máy sản xuất nhựa, gạch, vật liệu xây dựng, nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy của chúng tôi được triển khai quản lý theo mô hình 5S và công nghệ số.

* Hiện nay không chỉ có Tiến Lộc mà nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào sản xuất xe đạp điện, xe máy điện. Theo bà, như vậy có hiệu quả không?

- Nói về hiệu quả xã hội thì khá tốt vì mình tham gia đúng định hướng phát triển công nghệ xanh. Với Tiến Lộc, dù chưa có hiệu quả cao, đội ngũ kỹ thuật của chúng tôi vẫn tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Hiện tại, chúng tôi tập trung vào xe đạp điện. Về xe máy điện, cách nay 5 năm, Tiến Lộc nhận chuyển giao công nghệ từ một tập đoàn của Mỹ nhưng phải tạm dừng vì môi trường và hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa phù hợp để phát triển. Ở nước ngoài, các sản phẩm này đã được sử dụng cách nay cả chục năm nhưng khi đưa về Việt Nam, trong môi trường ẩm thấp sẽ làm thiết bị nhanh bị oxy hóa.

Trong sản xuất công nghiệp, tỷ lệ hư hỏng, bị sự cố chỉ giới hạn từ 1 - 2% nhưng với sản phẩm này, tỷ lệ hư hỏng lên đến 10%. Nếu làm đúng theo điều kiện của Việt Nam thì tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ cao hơn cả nước ngoài vì có thêm những yêu cầu kỹ thuật cho xe trong thời tiết nóng ẩm. Nếu tăng đầu tư công nghệ thì giá thành sản phẩm sẽ cao, khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khi đầu tư mảng năng lượng xanh, chúng tôi không đặt nặng chỉ tiêu doanh thu mà chủ yếu xây dựng nền tảng, tận dụng và phát huy được thế mạnh của đội ngũ kỹ thuật, tạo công ăn việc làm cho người lao động.


* Tham gia vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, bà có thấy quá nặng đối với một phụ nữ?
* Tham gia vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, bà có thấy quá nặng đối với một phụ nữ?

- Lâu nay sản xuất công nghiệp vẫn là nghề của nam giới. Phụ nữ thích hợp với các ngành dịch vụ làm đẹp hay thương mại, khách sạn, nhà hàng. Nhưng ngành gì cũng có cái khó của nó. Công nghiệp sản xuất tuy nặng nhưng khi bộ máy hoạt động trơn tru thì việc quản lý lại đơn giản vì mọi thứ đã có quy trình. Thế giới đã có công nghệ để mình học hỏi hay nhận chuyển giao.

* Người ta hay nói, đằng sau người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ, còn phụ nữ thì sao, thưa bà?

- Những lúc khó khăn cần sự sẻ chia, tôi đã có sự chia sẻ của chồng. Bên cạnh bờ vai ấy, tôi còn có sự hỗ trợ rất nhiều từ các cán bộ lãnh đạo bên dưới. 20 năm trước, 2 vợ chồng tôi tự mua hàng, bán hàng..., trong khi chồng đi kiểm xe thì tôi lo khâu xuất xe, giao xe. Lúc nào cũng 2 tay 2 điện thoại, nhưng nay các công việc ấy đã được các bộ phận thực hiện.

Giờ đây có khi cả ngày tôi chẳng có cuộc điện thoại nào. Nhờ có ông xã và đội ngũ nhân viên toàn tâm toàn ý trong công việc mà tôi rảnh tay tham gia công tác xã hội.

* Nói như vậy phải chăng con bà đã tự lập hoàn toàn?

- Tôi may mắn là cả 2 con đều biết tự lập. Con lớn tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc ở nước ngoài. Đứa nhỏ đang học năm cuối cấp ba. Tôi không ép con phải như thế này như thế kia, cũng không bắt buộc con phải theo nghề của mình. Nghề nào cũng đáng được trân trọng. Các con cứ làm nghề chân chính, biết tự lập, thành người có ích cho xã hội, hiếu thảo với cha mẹ là tôi đã mãn nguyện.

* Nhưng như vậy thì sự nghiệp mà bà gầy dựng hơn 20 năm nay sẽ không có người trong gia đình tiếp nối?

- Tôi nghĩ, đó là chuyện dài và chúng tôi vẫn có thể tiếp tục đến 30 - 40 năm nữa. Đến lúc không thể làm nữa, chúng tôi có thể thuê cá nhân hoặc tổ chức nào đó vận hành công ty. Tài sản lúc ấy sẽ dành một phần thành lập quỹ từ thiện...

* Đó là chuyện sau này, còn hiện tại, trong điều kiện mở cửa như hiện nay, Tiến Lộc của bà và các doanh nghiệp chịu áp lực như thế nào?

- Áp lực là vô cùng và doanh nghiệp ai cũng biết. Việt Nam là nước có năng suất sản xuất gần thấp nhất thế giới. Điều đó cho thấy trình độ tay nghề công nhân thấp, công nghệ, máy móc già cỗi, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng những máy móc mà nước ngoài đã sử dụng cách nay 50 năm.

Nhà nước đã nói nhiều đến cải cách hành chính nhưng chưa cải thiện được bao nhiêu. Để có thể triển khai được một dự án phải qua 7 - 8 sở ngành xem xét, phê duyệt và khi xong khâu này thì quy hoạch đã khác rồi, hoặc thời cơ kinh doanh đã qua.

Doanh nghiệp Việt Nam gặp rào cản rất lớn về quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đầu tư xây dựng, quy hoạch phát triển vùng... Lâu lâu còn có kiểu "quy hoạch tầm nhìn đến năm 2025", "quy hoạch tầm nhìn đến năm 2035". Có những khu vực đã có quy hoạch rồi nhưng lại vướng vì "dự trữ phát triển". Doanh nhân vướng rất nhiều về thủ tục hành chính và hành chính hóa ngay ở những văn bản pháp luật!

Chính phủ đã tổ chức nhiều hội thảo để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Nhà nước cũng đã lập ra các viện nghiên cứu kinh tế, chính sách rồi từng bộ lại có các vụ chính sách. Các trường đại học cũng có những bộ phận nghiên cứu và tư vấn chính sách cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cho các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải làm thế nào để đứng vững trên đôi chân của mình.

Dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải giữ gìn uy tín. Phải uy tín với bạn hàng, đối tác, người lao động và cam kết về chất lượng sản phẩm mình làm ra. Đó là tài sản để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện hiện nay.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ!

Doanhnhansaigon.vn




Tin đã đưa:


Thông báo thay đổi địa điểm VP Quỹ Doanh nhân vì Cộng đồng trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (14/04/2017)
10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP.HCM NĂM 2016 (06/02/2017)
Rơi nước mắt trước cảnh cậu học trò lớp 6 chăm cha, mẹ bị bạo bệnh (04/12/2016)
Đại hội Đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nhiệm kỳ VI (2016 - 2021) (01/11/2016)
Nghị lực phi thường của cô quản thư khuyết tật tứ chi (16/10/2016)
TP.HCM: Thành lập Quỹ Vì bình yên cuộc sống (04/10/2016)
Gia tài hạc giấy của cô gái 17 tuổi mắc bệnh quái ác (14/09/2016)
Doanh nhân Lã Thị Lan: Nữ lãnh đạo phải có chút... chất thép (19/05/2016)
Chương trình chăm lo cho người nghèo nhân Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 (04/02/2016)
Lễ kỷ niệm 11 năm ngày Doanh nhân Việt Nam, Hiệp hội nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì và Tôn vinh Doanh nghiệp TP. HCM, doanh nghiệp địa phương tiêu biểu năm 2015 (14/10/2015)
TRÂN TRỌNG CẢM ƠN
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐẠI HỘI QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG
NHIỆM KỲ III (2024 - 2029)


TÀI TRỢ VÀNG


TÀI TRỢ BẠC



TÀI TRỢ ĐỒNG



QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG

Lầu 5, 22 Võ Văn Kiệt, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1 - ĐT: (028) 3915 2475

E-mail: quydoanhnhanvicongdong2010@gmail.com

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ