Việt nam quê hương tôi
Chùa cổ Trấn Quốc
Giống như một hòn đảo xanh xinh xắn, nằm soi mình bên sóng nước Hồ Tây, chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ là chốn cửa Phật linh thiêng thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là một trong những điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của thủ đô Hà Nội.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử- văn hoá thì Trấn Quốc được coi là ngôi chùa cổ bậc nhất đất Hà thành. Tương truyền rằng, chùa được xây dựng vào thời kỳ tiền Lý Nam Ðế (544- 548) với tên gọi “Khai Quốc” (nghĩa là mở nước, ứng với sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân). Sau này tên gọi của chùa còn thay đổi nhiều lần như “An Quốc” năm Ðại Bảo đời Lê Thánh Tông (1434- 1442), “Trấn Quốc” năm Vĩnh Tộ thứ X (1628); “Trấn Bắc” năm 1844 do vua Thiệu Trị đặt nhân dịp nhà vua ra thăm xứ Bắc và đến ngày nay thì người dân Hà Nội vẫn gọi chùa là chùa Trấn Quốc.

 Chùa Trấn Quốc

Buổi đầu khởi dựng, ngôi chùa nằm ngay bên dòng Nhị Hà, phía Bắc thành xưa, thuộc địa phận xã An Hoa, huyện Quảng Ðức, phủ Phụng Thiên. Rồi vào năm Hoàng Ðịnh thứ VI (1615) bờ sông bị sụt lở, nhân dân đã dời chùa tới làng Yên Phụ. Chùa toạ lạc trên một hòn đảo nhỏ có tên “Kim Ngư” (tức cá vàng), bốn bề được bao bọc bởi sóng nước Hồ Tây. Do vậy, thời xưa muốn đi vãng cảnh chùa hay di lễ Phật, du khách và mọi người dân đều phải dùng thuyền để đi lại. Mãi đến năm 1624, khi đắp đê Cố Ngự (chính là đường Thanh Niên bây giờ), dân làng Yên Phụ mới làm con đường nhỏ nối liền chùa và đê Cố Ngự tạo thuận lợi cho việc đi lại tham quan, lễ chùa.

Nổi tiếng linh thiêng lại là danh thắng bậc nhất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa ngự giá đến thăm, thưởng ngoạn, vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ðặc biệt, vào đời Lý và đời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thuý Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.

Ðánh giá cao những giá trị lịch sử, tôn giáo cũng như cảnh quan của ngôi chùa, viện Viễn Ðông Bác Cổ đã từng xếp chùa Trấn Quốc là công trình lịch sử thứ 10 trong toàn sứ Ðông Dương (theo Nghị định ngày 16/5/1925). Và chùa cũng là một trong mười hai di tích lịch sử, văn hoá được Bộ Văn hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng đợt đầu tiên.

Hằng năm, vào dịp xuân về, Tết đến và những ngày tuần rằm trong tháng, người dân Hà Nội và cả du khách trong nước, quốc tế tới thủ đô đã không bỏ lỡ cơ hội thăm viếng chùa Trấn Quốc.

(Dulichachau.com)


Tin đã đưa:


QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG - HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP.HCM

246 Bình Quới, Phường 28, Quận Bình Thạnh - ĐT: (08) 35129092; Fax: (08) 35129096

E-mail: info@quydoanhnhanvicongdong.org.vn

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ