Góc suy ngẫm
20 năm âm thầm lo cho trẻ bất hạnh vào đời
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, họa sĩ Lê Phương không như những người khác là lo tìm việc làm ổn định, xây dựng gia đình, tạo cho mình một sự nghiệp phát triển trong tương lai.

Trái lại, anh đã một thân một mình, không nhà không cửa, không vợ con, quanh năm thui thủi trong những căn gác trọ nghèo nàn, miệt mài vẽ tranh. Vẽ xong, anh mang tranh đi bán. Trong túi có tiền, anh liền đi tìm những trẻ em mồ côi cơ nhỡ, sống lang thang hè phố để cho các em tiền, giúp các em có chút ít sống cơ cực qua ngày. Khi đã cho hết tiền, anh lại quay về nhà trọ miệt mài vẽ tranh với nỗi lòng khắc khoải vì còn nhiều em cơ nhỡ, cuộc sống quá đỗi thiếu thốn, bấp bênh, tương lai mờ mịt...



Các cháu khuyết tật, mồ côi tại Trung tâm Nuôi dạy nghề Nhân Tâm và các mạnh thường quân. Ảnh: KIM THỊNH

Làm sao cho các em có được một nghề nào đó tùy theo sức khỏe và khả năng của mình để có thể tự vào đời mưu sinh. Đó chính là nỗi trăn trở và động lực thúc đẩy Lê Phương phải chung tay gánh vác cùng xã hội, sẻ chia những nỗi đau ấy với những trẻ em khuyết tật, mồ côi cơ nhỡ. Bước đầu, anh đưa những trẻ khuyết tật, khả năng kiếm sống yếu kém về nhà trọ sống chung với mình. Hàng ngày, anh cặm cụi dạy cho các em học vẽ, làm sơn mài, điêu khắc… Đêm về, anh lại thức vẽ tranh để có tranh đem bán, lo cuộc sống cho các em.

Bây giờ anh không chỉ lo riêng cho bản thân mình mà lo cho cả một đại gia đình, có lúc lên đến 40 - 50 người. Căn nhà trọ đã hơn mười lần thay đổi địa chỉ, vì số lượng người cứ mãi thêm nhiều. Lắm khi không có tiền, anh phải đi xin mua gạo thiếu, chỉ cần có gạo nấu cơm là được rồi, mắm muối cho qua ngày cũng xong. Nhiều người hảo tâm đã giúp đỡ khi thấy được tấm lòng nhân ái vô hạn của một người họa sĩ, một người thầy lên lớp không có bục giảng, đồng cam cộng khổ với học trò, cùng ăn cùng ở trong một mái ấm chan hòa tình thương của cha con. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của xã hội, từ kiểu sinh hoạt như một mái ấm gia đình, Lê Phương đã duy trì và phát triển thành Trung tâm Nuôi dạy nghề trẻ em khuyết tật, mồ côi Nhân Tâm, cơ sở tại quận 12, TPHCM.

Mới đó mà đã 20 năm, hơn 600 học trò của thầy Lê Phương nay đã có đủ đôi cánh tự bay vào đời. Trong đó, có những người một thời là kẻ bụi đời, lang thang hè phố, thậm chí có những người một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nay họ đã trở thành những người thợ thủ công mỹ nghệ, âm thầm góp sức làm đẹp cho cuộc đời, làm đẹp cho xã hội. Những đêm thao thức không ngủ được, anh xót xa nhìn những học trò nằm ngủ chen chúc, chật chội dưới nền xi măng, nhất là những đêm mưa dột ướt, giấc ngủ không yên. Cuộc đời khuyết tật, mồ côi của các cháu đã bất hạnh nhiều rồi, mà ngay trong cuộc sống hàng ngày cũng còn nhiều khó khăn.

Mơ ước cháy bỏng trong lòng người thầy không có bục giảng này là làm sao có được một mái trường đẹp đẽ hơn, để các cháu có nơi ăn chốn ở, học tập đàng hoàng. Niềm mơ ước ấy, anh vẫn nghĩ chỉ là mơ ước thôi. Nhưng thật không ngờ, trong một dịp đi làm từ thiện, nữ nghệ sĩ cải lương Tài Lưu đến thăm các cháu khuyết tật đang học nghề tại cơ sở Nhân Tâm, người nghệ sĩ giàu lòng nhân ái ấy đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cuộc sống còn khó khăn của các cháu nơi này. Bà đã không ngần ngại trao tặng 2.000m2 đất để thầy Lê Phương xây dựng trung tâm dạy nghề trẻ em khuyết tật, mồ côi.

Có đất rồi, nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để xây dựng. Thầy Lê Phương mong mỏi sẽ có nhiều nhà hảo tâm như nghệ sĩ Tài Lưu cùng chung tay giúp đỡ, để các cháu vốn là những kẻ gánh chịu nhiều đau thương mất mát trong cuộc sống sớm có nơi học nghề, chắp thêm đôi cánh vững vàng cho các cháu bước vào đời bằng chính đôi tay của mình.

NGÂN MINH

(sggp)

Tin đã đưa:


TRÂN TRỌNG CẢM ƠN
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐẠI HỘI QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG
NHIỆM KỲ III (2024 - 2029)


TÀI TRỢ VÀNG


TÀI TRỢ BẠC



TÀI TRỢ ĐỒNG



QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG

Lầu 5, 22 Võ Văn Kiệt, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1 - ĐT: (028) 3915 2475

E-mail: quydoanhnhanvicongdong2010@gmail.com

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ