Hoạt động của NH luôn gắn liền với DN, DN khó thì NH cũng khó
Thực tế, đã có nhiều thông tin phản ánh ngân hàng hiện vẫn đang ứ thừa vốn, còn DN thì vẫn khó tiếp tín dụng. Và nếu có tiếp cận được thì vẫn phải chịu lãi suất cao.
Ngân hàng: “Không rót vốn vào... lỗ thủng” !
Trao đổi với DĐĐN, đại diện một NHTMCP quốc doanh lớn thẳng thắn: “Chỉ thị của ngân hàng là nhằm gỡ khó cho DN. Điều đó cũng quan trọng đối với các NH, vì hoạt động của NH luôn gắn liền với DN. DN khó thì NH khó. Nhưng nói điều đó không có nghĩa là các NH sẽ phải ồ ạt rót vốn cho hàng loạt DN đang rất khó khăn, thể hiện qua tình hình tài chính của họ không thực sự minh bạch, họ cũng không có phương án để cho NH được đảm bảo thu hồi nợ. NH không thể rót vốn vào… các lỗ thủng, để rồi mất vốn”.
Bà Phan Thị Hồng Hải - Giám đốc sở giao dịch NH Công thương VietinBank chia sẻ: “Suốt thời gian khủng hoảng và suy thoái vừa qua, nhìn chung trên thị trường, nhiều DN đã đánh mất niềm tin nơi các NH. Các DN, nhất là DNNVV hiện nay đã gần như kiệt quệ. NH biết điều đó và cũng rất nóng lòng được đồng hành, sẻ chia cùng DN. Nhưng điều đó vẫn phụ thuộc vào DN. Riêng với Vietinbank, chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ tín dụng cho DN, nếu nhìn vào dự án của DN cho thấy, phương án sản xuất kinh doanh sẽ có hiệu quả khả thi, việc quản lý dòng tiền có thể giúp thu hồi nợ. Còn nếu cứ áp dụng tín dụng cho vay theo kiểu truyền thống thì khó khả thi !”.
Bên cạnh những lý do này, nhiều đại diện ngân hàng cũng thẳng thắn cho biết lý do vốn chưa đến được đúng địa chỉ: “nhiều ngân hàng vẫn loay hoay bởi không có hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn như phân loại thế nào là DNNVV; hiểu và phân loại những DN có khả năng hồi phục...”, đại diện một ngân hàng chia sẻ. Mặt khác dù Thông tư đã có hiệu lực, nhưng lại không có một cơ chế kiểm soát, chế tài xử lý việc ngân hàng không chấp hành Thông tư, một DN nhận xét.
Một khi đã thừa vốn tới mức hệ thống NH không còn có nhu cầu cho vay lẫn nhau, thì các NH thừa vốn cũng không còn cơ hội để sinh lợi trên thị trường cho vay giữa các TCTD. Và những NH quy mô nhỏ, thường yếu thanh khoản kể cả khi đang phải nỗ lực huy động tiền gửi tiết kiệm bằng nhiều phương thức, lại cũng không còn nhu cầu để vay “món to” đảm bảo thanh khoản hoặc đẩy vốn cho DN. Lãi suất liên ngân hàng sụt giảm suốt thời gian qua và thậm chí chạm mức đáy trong vòng 3 năm trở lại đây đã cho thấy các NH cũng không hẳn được ăn ngon ngủ yên trên đống tiền hiện có. Tiền vẫn đang loanh quanh đâu đó trong… két sắt của NH, hoặc trong vòng quay đảo nợ nhỏ giọt giữa NH – DN, hơn là quay vòng thực sự để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Nhiều NH có thể đang lãi lớn do DN vẫn phải lãi nợ vay nhiều. Nhưng điều gì cầm chắc NH sẽ thu hồi được khoản nợ đó, khi DN không tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh?
DN - Loay hoay với tín dụng, thị trường và hàng tồn kho
Theo thống kê của Cục thuế TP HCM, từ đầu năm đến nay, đã có 3.600 DN ngưng hoạt động. Nếu tính cả hộ cá thể trên địa bàn thì con số lên tới trên 38.000 DN - hộ cá thể đã phải đóng cửa. Cũng theo đơn vị này, số lượng DN kinh doanh làm ăn có lãi đã sụt giảm rất nhanh. Phần lớn các DN có lãi thì cũng chỉ là lãi rất ít, nếu so với kết quả sản xuất kinh doanh cùng kỳ năm trước.
Cục diện kinh doanh ở một địa bàn đông dân và là khu vực phát triển kinh tế nhất của đất nước, tiêu biểu và phản chiếu cho cục diện hoạt động của DN ở hầu hết tỉnh thành, địa phương. Và đó không còn là điều mới mẻ. Cái khó của DN đã được Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành nhìn thấy. NHNN cũng đã ra tay cứu DN bằng các chỉ thị hành chính và quyết định áp trần lãi suất cho vay. Nhưng tất cả dường như mới chỉ dừng lại ở mệnh lệnh hành chính, chưa cho thấy hiệu ứng cụ thể từ phía thị trường. Ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử VN cho biết, cũng như bất kỳ DN nào khác, khối DN công nghệ điện tử vẫn đang ở rất xa, ngoài tầm với của các chỉ tiêu tiếp cận tín dụng lãi suất 15%. Đa số các DN VN kinh doanh công nghiệp điện tử đều là vừa và nhỏ, có quy mô chỉ vài triệu USD, lại thường tập trung ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, không sở hữu tài sản đất đai để làm tài sản thế chấp. “Ngoài vòng cương toả của tín dụng lãi suất 15% là đương nhiên. Mà ngay cả khi có được tiếp cận vốn lãi suất 15% đi nữa, với DN cũng là rất khó. Đó vẫn là mức lãi suất cao. DN sẽ làm gì với lãi suất 15%, chưa tính chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào, trong khi thị trường đang bế tắc, hàng sản xuất ra không ai mua ?”.
Theo khảo sát tại một số NHTM quy mô lớn, hiện nay, việc triển khai Thông tư 14 đã được thực hiện rất nghiêm túc. Mỗi NH đều có một bộ tiêu chí để đối chiếu, rà soát hồ sơ vay vốn của các DN. Theo đó, DN nếu ở trong nhóm kinh doanh xuất nhập khẩu và có nguồn thu ngoại tệ, DN kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, DN các lĩnh vực CN phụ trợ, DN vừa và nhỏ và đặc biệt các DN này phải có các báo cáo tài chính đã kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán quốc tế… thì sẽ có cơ hội được vay vốn với lãi suất áp trần. Dĩ nhiên, DN cũng phải đáp ứng thêm một loạt các tiêu chí khác sao cho được NHTM đánh giá là có tình hình tài chính lành mạnh. Anh Nguyễn Cường, chủ DN TNHH Cường Thịnh bức xúc: “Chúng tôi ở trong nhóm DN thu mua nông sản của bà con nông dân, thì được xem là DN kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Nhưng NH nói rằng chúng tôi không thuộc nhóm DN đó, cũng không có báo cáo tài chính được kiểm toán bởi KPMG hay Ernest &Young, Deloitte… Làm sao chúng tôi phải kiểm toán ở các đơn vị đó khi chúng tôi chưa phải Cty niêm yết, chỉ thực hiện báo cáo tài chính thậm chí chưa được kiểm toán bởi tổ chức trong nước. Nhưng chúng tôi làm ăn lành mạnh, có tài sản đảm bảo, có phương án trả nợ đầy đủ. Vậy mà không được vay lãi suất 15%. Chính sách thì đã rõ nhưng NH nói sao thì DN cũng đành nghe vậy !”…
NH có cái lý của NH và DN cũng có lý lẽ của DN. Những cái lý này không trùng khít, không có điểm chung. Vốn NH vẫn ứ đọng và DN vẫn đình trệ, trong khi với dư địa chính sách và tài chính hạn hẹp, Chính phủ đã rất nỗ lực để đưa ra các giải pháp tổng thể nhằm hỗ trợ cứu DN, kích thích nền kinh tế. Có vẻ như nỗ lực là một chuyện, hiệu quả lại không hẳn chỉ phụ thuộc vào nỗ lực. Và nói như một chuyên gia ngân hàng là vấn đề còn nằm ở chỗ “nỗ lực đã thể hiện được đến đâu ?”.
Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN nhấn mạnh: Chính sách ưu tiên vốn để hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN là một định hướng đúng đắn của Chính phủ, của NHNN. Nhưng nếu không làm được thì điều đó cho thấy chính sách còn thực hiện thiếu tính kiên quyết. Thiếu kiên quyết về thi hành, thiếu cả những cơ chế, chế tài để chính sách được triển khai đúng mục tiêu, đúng định hướng.
Nguồn dddn.com.vn