Tin tức sự kiện
CPI âm và nỗi lo điều chỉnh chính sách
Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,29% so với tháng trước, Việt Nam đã có tháng thứ hai liên tiếp CPI âm. Nỗi lo suy giảm kinh tế và giảm phát càng trở nên rõ ràng hơn, nhưng nỗi lo lạm phát vẫn hiện hữu.

Với CPI tháng 7 giảm mạnh như vậy, lạm phát cả nước sau 7 tháng hiện ở mức 2,22%. Đây là con số, có thể nói, thuộc diện thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và trên một khía cạnh nào đó, có thể coi là một thành công của Việt Nam trong kiềm chế lạm phát. Nhưng trong điều kiện tiêu dùng không tăng, hàng hóa tồn kho cao, thì lạm phát thấp và giảm tốc mạnh, thậm chí đã có thể nói về chuyện giảm phát, thì đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang rất khó khăn và trì trệ.

7 tháng đã qua đi, khi tăng trưởng tín dụng chỉ bắt đầu nhúc nhắc tăng,  thì “dòng máu” nuôi dưỡng nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp dường như vẫn đang tắc nghẽn ở đâu đó.


Ảnh: Chí Cường
Nhiều dự báo cho thấy, khả năng năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 7-8%. Hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế, vì thế, chưa thể sớm vượt qua khó khăn.

Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, khi GDP quý I chỉ tăng 4%, quý II tăng 4,66%, thấp hơn đáng kể so với con số 5,57% và 5,68% của hai quý đầu năm ngoái, thì nỗi lo suy giảm kinh tế và bài toán tăng trưởng hợp lý lại được đặt ra. Chính sách điều hành sẽ có những điều chỉnh. Tiền có thể sẽ được tung nhanh ra trong những tháng tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho cả đầu tư công. Các động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất cũng rất đáng được ghi nhận. Cộng thêm các chính sách hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp của Nghị quyết 13/NQ-CP, các kỳ vọng về chuyện tăng tổng cầu cho nền kinh tế đã được đặt ra.

Tăng tổng cầu là biện pháp đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, nhưng cũng đã có những quan ngại về chuyện nếu các biện pháp tăng tổng cầu không được phân bổ với quy mô và liều lượng phù hợp với khả năng của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm, thì hệ lụy để lại sẽ khó lường.

Không thể phủ nhận, lạm phát của Việt Nam đã giảm nhanh một cách ấn tượng. Nhưng lạm phát theo cách tích của thông lệ quốc tế (so với cùng kỳ), vẫn ở mức 5,35%, dù thấp rất nhiều so với những tháng trước và đặc biệt là năm ngoái. Hơn nữa, cũng đã có ý kiến cho rằng, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ gần đây - giống như tiếp thêm nhiên liệu cho một cỗ xe có nhiều hỏng hóc - có thể tạm thời làm cho xe tăng tốc lên chút ít, nhưng các sự cố tương lai gần có thể xảy ra nhiều hơn, nghiêm trọng hơn.

Dù đã có những khẳng định rằng, việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công, bao gồm cả việc Chính phủ đã đồng ý ứng trước vốn năm 2013 khoảng 30.000 tỷ đồng, sẽ không ảnh hưởng lớn tới lạm phát của năm nay. Nhưng lại cũng đã có những dự báo rằng, lạm phát hai chữ số thậm chí có thể sẽ quay lại trong năm 2013. Bất ổn vĩ mô vẫn tiềm ẩn và có nguy cơ trỗi dậy ngay trong năm sau. Bởi thế, một lần nữa, phải nhắc đến chuyện quy mô và liều lượng phù hợp đối với bất kể chính sách nào sẽ được áp dụng trong thời gian tới, làm sao để đảm bảo nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng hợp lý trong năm 2012, nhưng cũng  phải đảm bảo không gây lạm phát cho năm 2013. Và trong bất cứ trường hợp nào, cũng không thể lơi là với lạm phát.

Nguồn baodautu.com.vn

Tin đã đưa:


TRÂN TRỌNG CẢM ƠN
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐẠI HỘI QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG
NHIỆM KỲ III (2024 - 2029)


TÀI TRỢ VÀNG


TÀI TRỢ BẠC



TÀI TRỢ ĐỒNG



HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TP.HCM - QUỸ DOANH NHÂN VÌ CỘNG ĐỒNG

Lầu 3, Số 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 - ĐT: (08) 3915 2477

E-mail: info@quydoanhnhanvicongdong.org.vn

Trang chủ || Những tấm lòng cao cả || Video || Thư viện ảnh || Sơ đồ website || Liên hệ