Quay vòng vốn nhanh là một trong các yếu tố quan trọng để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả. Do đó, nếu hàng tồn kho tăng cao thì doanh nghiệp bị ách tắc dòng luân chuyển vốn và khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân chính đẩy doanh nghiệp lâm vào tình trạng bi đát, thậm chí giải thể, phá sản.
Mặt khác, việc tồn kho nhiều hàng hóa còn có thể tạo ra một loạt các phản ứng dây chuyền ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và đời sống xã hội, trực tiếp tác động đến chất lượng bữa cơm hàng ngày của hàng chục triệu gia đình người lao động.
Vấn nạn hàng tồn kho
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2012 đến nay, chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2011. Đỉnh điểm là vào tháng 3 năm 2012, chỉ số này tăng lên đến mức kỷ lục 34,9%, trong khi chỉ số của cùng kỳ năm 2011 chưa đầy 20%. Mặc dù sau đó, chỉ số này đã có xu hướng giảm với 32,1% vào tháng tư, 29,4% vào tháng năm nhưng vẫn khá cao so với cùng kỳ năm 2011. Không những tăng cao, chỉ số này lại tăng trưởng lệch với sự tập trung quá cao vào các ngành nhạy cảm ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng như: xây dựng, xi măng, sắt thép, phân bón, thực phẩm... Tính đến ngày 01/6/2012, có thể tổng kết được một số ngành hàng có chỉ số tiêu dùng tăng ở mức đáng báo động như: sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 78,7%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 59,6%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 30,5%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; xay xát và sản xuất bột thô tăng 25,9%.
Dự đoán, tình trạng tồn kho sẽ ngày càng xấu đi do nguồn cung hàng hóa trên thị trường hiện rất dồi dào nhưng tổng cầu có xu hướng giảm. Tính đến tháng 6 năm 2012, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng sáu đã bắt đầu giảm phát ở mức -0,26% sau 38 tháng liên tục tăng ở ngưỡng dương nhưng chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam trong quý I/2012 đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ quý III/2010. Điều này cho thấy, người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Doanh nghiệp gặp khó
Lượng hàng tồn kho tích lũy lớn trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp sẽ làm tăng tỷ lệ ứ đọng hàng tồn kho và đẩy doanh nghiệp vào tình thế vô cùng khó khăn. Trên thực tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lên tới 5.297 doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra chọn mẫu 9.331 doanh nghiệp trên cả nước về thực trạng và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp, từ thời điểm 01/01/2011 đến 01/4/2012, số doanh nghiệp bị phá sản, giải thể và ngừng sản xuất, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) lên đến 784 doanh nghiệp, chiếm đến 8,4% tổng số tham gia điều tra, trong đó có đến 14,7% doanh nghiệp phá sản, giải thể do không tiêu thụ được sản phẩm và 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh cũng bắt nguồn từ việc hàng hóa tiêu thụ chậm.
Bên cạnh đó, việc tồn kho còn dẫn đến gia tăng tình trạng nợ đọng thuế. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2012, số thuế chưa thu được đã lên tới gần 38.000 tỷ đồng. Việc nợ thuế sẽ gia tăng sức ép cho doanh nghiệp do nghĩa vụ thuế bị gia tăng bởi các khoản phạt chậm nộp thuế và phần nào cũng gây thiếu hụt khoản chi “giải cứu” doanh nghiệp. Chính vì vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho thỏa đáng thì tình trạng ứ đọng hàng hóa sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn đưa càng nhiều doanh nghiệp tới chỗ bế tắc, thậm chí giải thể, phá sản và cũng sẽ làm lao đao đời sống của hàng triệu người lao động.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm giải quyết tận gốc “nỗi lo” này, các chuyên gia cho rằng nên tổ chức lại công tác xúc tiến thị trường ở tầm quốc gia và tầm doanh nghiệp để vừa nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại vừa mở rộng tác dụng quảng bá.
Đồng thời nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội bán lẻ, VCCI trong việc thiết lập và củng cố mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ hàng hóa nhưng giảm được chi phí đầu tư cho hoạt động phân phối. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò cầu nối của các tổ chức này trong việc hỗ trợ thông tin xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng tại các thị trường truyền thống…
Ngoài ra cần nên đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua các hội chợ, khu dân cư, chương trình văn hóa – nghệ thuật thu hút đông đảo khán giả.
Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ thuế, giảm lãi suất cho vay; Ban hành các cơ chế hợp lý để doanh nghiệp được thế chấp bằng hàng tồn kho để vay vốn khôi phục sản xuất kinh doanh đồng thời đảm bảo yêu cầu về an toàn tín dụng cho hệ thống ngân hàng…
Đọc toàn bộ file Báo cáo chuyên đề cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hàng tồn kho
BIZIC (VCCI) - Cty CP INFOLINK
Nguồn dddn.com.vn