Phải mất gần ngày trời chạy xe từ thành phố Hà Giang và đi bộ leo dốc đường rừng heo hút, gập ghềnh hiểm trở, chúng tôi mới đến được xã Túng Sán của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Tiếp chúng tôi tại điểm trường nhỏ nằm lọt giữa dãy núi bao la và khối đá khổng lồ là thầy Vương Văn Hòa. Đón chúng tôi, thầy Hòa hỏi: “Các chú lên đây chắc là sợ lắm nhỉ?”. Chúng tôi cười, và thầy Hòa tiếp lời: “Hồi đầu tôi cũng sợ lắm, bây giờ đường đi, cuộc sống bà con cải thiện đi nhiều. Tôi công tác ở đây hơn 15 năm rồi, hai tháng tôi mới về xuôi một lần. Còn phần lớn thời gian tôi ở lại đây để dạy chữ. Tôi là giáo viên dạy tiểu học nhưng mấy năm trở lại đây, tôi ấp ủ mở lớp dạy xóa mù cho cha mẹ các em. Bởi có như vậy thì mới giúp các em học sinh đến trường đầy đủ . Hơn nữa khi bà con biết chữ mới cải thiện cuộc sống của họ.
Thầy Vương Văn Hòa đang dạy tại lớp xóa mù chữ ban đêm
Thầy Vương Văn Hòa sinh 1975, sống ở thành phố Hà Giang. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học, thầy được nhận làm giáo viên thuộc Phòng Giáo dục hyện Hoàng Su Phì. Hai năm trở lại đây, thầy Hòa được Phòng Giáo huyện phân công về dạy học tại xã Tùng Sán. Thầy đã lập gia đình và có hai cháu, vợ thầy cũng là giáo viên cắm bản.
Xã Túng Sán nói riêng và huyện Hoàng Su Phì nói chung là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như H’Mông, Dao, Nùng… phần đông không biết chữ. Cuộc sống mưu sinh chủ yếu làm nương rẫy nên vô cùng khó khăn. Với suy nghĩ để động viên các em đến trường thì chính các bậc cha mẹ phải biết chữ nên thầy Vương Văn Hòa mở lớp học xóa chữ này. Lớp học hoạt động gần một năm nay nhưng mọi thứ tối thiểu dùng để dạy học đều không có. Duy nhất bàn ghế phòng học phải mượn tạm từ điểm trường dạy chữ các em học sinh mà nhà nước đầu tư.
Vì không có cơ sở vật chất và để phù hợp với thời gian lao động của bà con nên lớp học mở vào ban đêm. Vào ban đêm giữa núi rừng không có điện nên mọi người đi học đều mang theo một chiếc đèn pin để lấy ánh sáng học chữ. Vất vả với việc học chữ nhưng anh Thào Diu Seng (35 tuổi) vui vẻ nói: “Học thích lắm, mình biết chữ, mình mới đọc được các hướng dẫn của các loại máy móc làm ruộng, xuống phố đi mua nhiều thứ đồ khác cho gia đình”.
Còn với chị Vàng Thị Đua (52 tuổi), việc học chữ khá là khó khăn. “Học chữ khó hơn mình đi làm nương. Thầy dạy mãi mà mình vẫn quên. Tuy nhiên mình vẫn học. Mình học mình xuống phố mua bán mới dễ” - chị Đua tâm sự.
Thầy Vương Văn Hòa cho biết, lớp học ban đầu chỉ khoảng 10 người nhưng hiện nay lên đến 30 người. Chương trình học theo chương trình xóa mù chữ mà Phòng Giáo dục huyện đề ra.
Một góc lớp học của thầy Hòa. Lớp học không có điện, chỉ nhờ vào ánh sáng đèn pin
Các con theo cha mẹ tới lớp học xóa mù chữ
Trải qua 15 năm dạy học ở vùng cao, ngày nào thầy Hòa cũng đi bộ đường rừng để đến điểm dạy các học sinh. Gần một năm nay, vào ban đêm thầy lại dạy lớp học miễn phí này. Chừng ấy năm nhưng thầy chưa bao giờ thầy nghĩ sẽ bỏ về xuôi sinh sống mà thầy vẫn hết lòng với việc gieo chữ và nguyện gắn với đất và người nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Phục Thực - Phó Chủ tịch xã Tùng Sán cho biết: Hiện nay xã có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con, nhất là việc thành lập các trung tâm cộng đồng, phối hợp với cá nhân doanh nghiệp xây dựng các cơ sở vật chất, tăng công tác xóa mù chữ nhằm nâng cuộc sống bà con. Lớp học của thầy Vương Văn Hòa là một ví dụ điển hinh. Trước mắt các tổ chức này chưa có kinh phí hoạt động, chủ yếu là từ thiện.
Còn ông Nguyễn Hải Vịnh - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hoàng Su Phì chia sẻ thêm: Công tác dạy học xóa mù chữ tại Hoàng Su Phì vô cùng khó khăn phức tạp, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ, còn Phòng Giáo dục chủ động nhiều mô hình nhằm xóa mù chữ. Tuy nhiên công tác này vẫn còn gian nan vất vả. Do đó rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và những thầy cô giáo như thầy Vương Văn Hòa.
Giữa cuộc sống mưu sinh với nhiều mối lo toan nhưng vẫn có người như thầy Vương Văn Hòa miệt mài cắm bản gieo con chữ cho bà con dân tộc. Chia tay người thầy có tấm lòng cao cả và lớp học dưới ánh sáng đèn pin tuy leo lét vẫn hiện lên một ánh sáng, đó là ánh sáng niềm tin, khát vọng đổi đời của những học trò đặc biệt giữa đỉnh trời Tây Côn Lĩnh.
Theo Dân Trí