Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Hàng năm, Lễ hội Đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch, chính hội là ngày 20 tháng 8 - ngày giỗ của Trần Quốc Tuấn.
Theo truyền thống, ngày lễ hội đền Kiếp Bạc là một ngày rất thiêng liêng vì từ bao đời nay nhân dân tôn thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn như người cha, và truyền nhau câu ngạn ngữ "Tháng tám giỗ cha" là để chỉ ngày giỗ của ông.
Lịch sử
Vào thế kỷ XIII, đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông, ông sống những năm tháng thanh bình tại Kiếp Bạc và mất ngày 20 tháng 8 năm 1300. Do có nhiều cống hiến cho đất nước, sau khi mất đền thờ ông được xây dựng tại Kiếp Bạc.
Qua nhiều thế kỷ, các công trình kiến trúc ở Kiếp Bạc từ thời Trần và thời Lê đã bị hủyhoại. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khu đền được trùng tu, tôn tạo.
Hàng năm ở đây thường tổ chức lễ hội để dâng hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự, nhà tư tưởng-văn hóa lớn tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại văn minh Đại Việt và được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.
Kiến trúc
Đền Kiếp Bạc được xây dựng từ năm Canh Tý (1300), là năm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời.
Cổng đền uy nghi bề thế với bức đại tự trên tam quan “Dĩ thiên vô cực” (Sự nghiệp này còn mãi với trời đất), hàng chữ bên dưới là “Trần Hưng Đạo Vương từ”. Thấp hơn, ở 2 bên là 2 câu đối:
"Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí,
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh"
Dịch:
"Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng,
Lục Đầu vang dậy tiếng quân reo"
Qua cổng tam quan là vào một sân rộng tục truyền là “Bãi Kiếm”, là nơi xét xử Phạm Nhan, tên tướng giặc có nhiều bùa phép gian ngoa. Hai bên sân là 2 dãy nhà dài, để khách thập phương dừng chân sửa soạn mâm lễ vật.
Sau đó, đi một cửa sẽ tới một khuôn viên nhỏ có hồ, có hoa và hòn non bộ, ở giữa đặt một bàn thờ nhỏ. Tiếp đến là 2 gian nhà đại bái lớn và hậu cung nằm liền nhau.
Nhà đại bái phía trong ở giữa đặt bàn thờ lớn, 2 bên là 4 ngai thờ 4 người con trai của Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Hiếu (Hiện), Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Uy (Uất).
Bên trong hậu cung có 3 toà điện: tòa điện ngoài cùng thờ Phạm Ngũ Lão, tòa điện thứ hai thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tòa điện trong cùng thờ phu nhân Trần Quốc Tuấn là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô.
Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: Tượng Trần Quốc Tuấn, phu nhân, 2 con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Toàn bộ khu đền dựa lưng vào dãy núi Dược Sơn.
Lễ hội Đền Kiếp Bạc
Lễ hội Đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm, chính hội là ngày 20 tháng 8 - ngày giỗ của Trần Quốc Tuấn. Trước đây, hội đền Kiếp Bạc được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, triều đình cử quan lại về làm chủ tế.
Trước ngày hội chính là lễ rước của hai làng Vạn Yên và Dược Sơn. Đám rước có đầy đủ kiệu, cờ quạt, nghi trượng nhưng đặc biệt là lễ vật. Lễ vật có lợn quay, gà xôi, bánh xu xê, bánh lọc, bánh ngũ sắc.
Ngày 20 tháng 8, ngày hội chính, sau các nghi thức như lễ dâng hương, ôn lại những chiến công và cuộc đời của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là các trò vui truyền thống, đặc biệt là cuộc thi bơi trải với rất nhiều thuyền tham dự, tạo nên sự liên tưởng đến chiến công xưa của thủy quân nhà Trần trên sông Bạch Đằng.
Mỗi mùa hội khách thập phương về dự có tới chục vạn người, dưới sông hàng nghìn con thuyền lớn nhỏ, trên bộ hàng vạn xe cộ ngược xuôi, trống phách vang lừng, cờ bay phất phới.
Các lễ hội thờ Trần Hưng Đạo còn có ở rất nhiều nơi trên đất nước như hội đền Bảo Lộc (Nam Định), hội Đền Trần Hưng Đạo (Thành phố Hồ Chí Minh), hội đền Yên Cư (Ninh Bình)./.
(TTXVN/Vietnam+)