Dù nhà còn nghèo khó nhưng cô giáo Huỳnh Mai vẫn giang tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Nằm trong một con hẻm sâu, trường mầm non tư thục Tân Phú của cô giáo Huỳnh Mai dành cho con nhà nghèo luôn rộn tiếng cười con trẻ. Quan niệm sống của cô Mai với con cái rất đơn giản “cho con cần câu chứ không cho cá” để bắt các con tự lập.
Cô bán đất đai và số heo mình nuôi được để xây trường còn mình thì sống trong ngôi nhà lụp xụp ẩm ướt. Chuyện này cô đã tâm sự trước cho con biết để sau này chúng không ngăn cản mẹ. Nhiều người hàng xóm đã nghĩ cô làm chuyện vớ vẩn.
Cô chia sẻ: “Nhiều người thương con họ để lại vòng vàng, kim cương, tiền bạc. Tôi thì nuôi chúng khôn lớn, cho chúng học hành có kiến thức để tự “bơi” vào đời. Cũng như ngày trước tôi phải vừa học vừa làm thêm đủ nghề mới có tiền trang trải cuộc sống”.
Các bé tại trường mầm non Tân Phú do cô Mai xây
Sau khi có tiền cô Mai mở trường Mầm non tư thục Tân Phú. Ban đầu chưa tới 10 em học, đến nay đã có hơn 100 bé. Bởi ở đây có môi trường thân thiện và giá cả hợp với thu nhập của những phụ huynh là công nhân, người nghèo.
Không chỉ mở lớp cho con em những hộ lao động nghèo trong xã, mới đây, cô Mai còn mở một trung tâm dạy nghề Tân Khải cho người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ đến cư trú học tập.
Cô cho hay: “Mỗi em có một hoàn cảnh đáng thương, đứa thì mồ côi cha mẹ, đứa thì bị bỏ rơi từ nhỏ không nơi nương tựa rồi đi bán vé số. Thấy thương tâm, tôi ráng chắt chiu những đồng ít ỏi của mình để có thể giúp cho các em có nghề nghiệp, được học hành trở thành những người có ích.
Niềm vui của tôi là tạo cho các em một công việc giúp các em tự nuôi sống mình, tự xây đắp cuộc sống cho mình. Một khi làm được việc, các em sẽ tự tin vào đời.
Theo cô Mai, em nào vào mái ấm cũng luôn cố gắng hết mình để học và làm. Tại cơ sở nghề Tân Khải của cô, các em được dạy làm túi xách, kết cườm, trang trí, vẽ câu đối...
Thời gian rảnh các em phụ cô nuôi trại heo để bán lấy tiền trang trải học hành. Bên cạnh đó, các em còn được cô Mai gửi đi học bổ túc văn hóa để bổ sung kiến thức. Niềm vui của cô chính là sự lớn khôn của các em.
Cô Huỳnh Mai luôn mở rộng vòng tay với người khó
Em Huy năm nay 12 tuổi vừa ngồi kết những chiếc giỏ xách, miệng nhanh nhảu khoe: “Thời gian trước em chỉ sống lang thang, bán vé số. Nhiều lúc em thấy số phận mình vậy nên buồn lắm. Giờ em vui hơn khi được cưu mang giúp đỡ. Từ ngày vào đây, em được học về nghề kết cườm. Ban đầu em thấy khó vô cùng nhưng sau một thời gian ngắn, em làm ra nhiều sản phẩm bằng chính đôi tay của mình. Đến nay em không còn bỡ ngỡ gì về công việc này.
Em thật may mắn được cô Mai nhận về đây, xem em như người nhà. Không những thế, em còn được học hành, được mọi người thương yêu. Điều mà trước đây em chưa hề có”.
Với tấm lòng nhân ái cô Mai không ngại ngần khi người có hoàn cảnh éo le gõ cửa. Bà Ngọc năm nay 74 tuổi, không nơi nượng tựa lại đang mang bệnh ung thu giai đoạn cuối đã đến chỗ cô Mai. Bà Ngọc đã rời khỏi chùa đến xin cô Mai sống những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Bà vui vẻ cho biết: “Tôi về đây thấy ấm cúng như nhà mình. Mọi người đoàn kết thương yêu nhau như ruột thịt. Tôi thấy ấm áp hơn trong những ngày cuối đời”.
Bây giờ cô Mai vẫn còn day dứt vì nhiều trẻ mồ côi lang thang chưa có nơi ăn chốn ở: “Tôi vẫn mong một ngày nào đó, tôi sẽ có cơ hội xây lại cơ sở dạy nghề đàng hoàng hơn, giúp các em có nơi ăn chốn ở sạch đẹp hơn. Hồi trước cơ sở xây khang trang nhưng nợ nhiều quá nên người ta xiết nợ. Nay các em phải sống ở những nơi ẩm thấp nên tôi thấy không đành lòng.
Tôi đã gửi chúng đi bớt chỗ khác nhưng nhiều em vẫn muốn ở lại. Mong rằng sẽ có một ngày tôi khôi phục lại cơ sở, sẽ cho nhiều em về đây tụ tập như một mái nhà chung”.