Tâm sự với chúng tôi, chàng trai Lê Văn Phước (26 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) buồn rầu nói: “Đôi lúc mình nản chí khi mọi người xung quanh không hiểu ý nghĩa việc mình đang làm, lại chỉ nói mình khùng lo chuyện thiên hạ. Nhưng chỉ cần chứng kiến cảnh người dân quê mình nghèo khó, lam lũ, là mình lại vững tâm hơn, muốn cố gắng hơn vì họ. Cho dù mang tiếng khùng cũng được, miễn là những hoàn cảnh khó khăn được mọi người chung tay giúp đỡ”.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo của huyện Đại Lộc, chứng kiến bao mảnh đời khó khăn, bất hạnh nên ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, Lê Văn Phước đã nung nấu ý định thành lập một câu lạc bộ thiện nguyện.
Như cơ duyên, trong lần tham dự buổi họp mặt đồng hương Đại Lộc, Phước đã bày tỏ ước muốn của mình với những người bạn. Không ngờ mọi người đều lên tiếng ủng hộ, thế là từ đó câu lạc bộ Đại Lộc quê mình được thành lập.
Lê Văn Phước chủ nhiệm câu lạc bộ Đại Lộc quê mình.
Kể về những ngày đầu thành lập câu lạc bộ Đại Lộc quê mình, chàng trai có nụ cười thật tươi nói nhỏ: “Thú thật là hồi đầu, một thanh niên không quen biết đi giúp đỡ bà con, kêu gọi các cá nhân hảo tâm ủng hộ, thì đương nhiên chẳng ai tin. Nhưng mình cứ bền bỉ hoạt động thiện nguyện, tới bây giờ, hơn 2 năm rồi, gặp bà con ai cũng hỏi han thân quen như người nhà cả".
Ngày mới thành lập câu lạc bộ chỉ có 15 thành viên với muôn vàn khó khăn: Thiếu kinh phí, nhân lực, phương tiện đi lại… “Những khó khăn đó không làm mình và các thành viên nản chí, mọi người cùng họp nhau, giải quyết từng khó khăn, khúc mắc. Nhưng có lẽ khó nhất là chuyện gây quỹ. Do đó, mình đã cùng các thành viên len lỏi khắp các con ngõ để thu nhặt ve chai, bán hàng hoa, làm đồ handmade…”, Phước cho hay.
Kể từ khi thành lập câu lạc bộ Đại Lộc quê mình, Phước đã cùng các tình nguyện viên chung tay tổ chức chương trình lớn, thường xuyên như: Xuân yêu thương, Tết Trung thu cho thiếu nhi, bánh bao đêm khuya cho người nghèo…
Không chỉ bó hẹp trong nội bộ địa phương, Phước còn chủ động kết hợp với các câu lạc bộ khác ở Quảng Nam, Đà Nẵng để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn khác.
Những chuyến thiện nguyện đi để trưởng thành.
Tham gia thiện nguyện, không ít kỷ niệm đẹp đã khắc sâu trong tâm trí Phước. Đáng nhớ nhất có thể kể đến chương trình Bán giúp nông sản ngập lụt cho bà con Quảng Nam vừa qua. “Đợt lũ trái mùa đã khiến cho những người nông dân sinh sống dọc sông Vu Gia gần như mất trắng. Trước tình hình đó, mình cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã kết hợp với nhiều nhóm, tổ chức, cá nhân thiện nguyện giúp bà con thoát khỏi tình cảnh điêu đứng. Dù chưa thật sự mang lại số vốn như mong muốn, nhưng đó cũng là nỗ lực của hàng chục các thành viên trong câu lạc bộ, là những đêm thức trắng, những bữa quên cả ăn vì mải… vận chuyển dưa giúp người dân nghèo”, Phước chia sẻ.
Bán dưa hấu giúp bà con
Không chỉ có thế, nhiều chuyến tình nguyện đi xa hàng chục km đường rừng núi hiểm trở cũng không làm các tình nguyện viên nản lòng. “Những lúc lội suối, trèo đèo trong cái rét cắt da dù mệt và đói nhưng không ai bỏ cuộc. Chỉ tới khi vận chuyển hàng cứu trợ vào tận các bản làng cho bà con, mình và các tình nguyện viên mới dám… ăn một bữa cơm tử tế. Bà con còn đói, còn mong đồ viện trợ, thì mình không yên tâm được. Đối với mình, mỗi chuyến đi thiện nguyện là một bài học ý nghĩa, một bài học để trưởng thành từng ngày”.
Theo Tinn