Người phụ nữ vận bộ đồ truyền thống của đồng bào Chăm, gương mặt khắc khổ, ngồi ngoài hành lang khoa Mắt bệnh viện Chợ Rẫy ôm mặt nức nở. Hỏi ra mới biết, bà là Hán Thị Liên (54 tuổi) bác ruột của bệnh nhân Hán Văn Luận (20 tuổi) đang điều trị tại đây. “Chạy khắp nơi mới vay nóng được 3 triệu đồng để đưa cháu đi trị bệnh nhưng giờ đóng tạm ứng hết rồi, đến tiền ăn giờ cũng chẳng còn, mai mốt làm sao mà về quê được”, bà Liên mếu máo.
Trong phòng bệnh, Luận ngồi nép mình bên góc giường, cơn sốt đang kéo đến hành hạ khiến nước da cháy nắng của em càng trở nên xanh xao. “Gần 1 tháng nay, mắt em cứ mờ dần, cách xa khoảng 5m đã không còn nhận ra mặt người. Em thường xuyên bị sốt, mệt nên mới phải đến bệnh viện, giờ bác sĩ yêu cầu mổ mắt nhưng không đủ tiền, chắc em phải xin lại viện phí để về quê.”
Bà Liên nghẹn lòng lo lắng cho đứa cháu tội nghiệp
Trước tình cảnh trên, BS Trần Văn Tây, người trực tiếp điều trị của Luận cho hay: “Bệnh nhân nhập vào khoa trong tình trạng 2 mắt bị mờ do đục thủy tinh thể. Đây là trường hợp suy tủy đã điều trị ngoại trú tại khoa Huyết học của bệnh viện Chợ Rẫy từ 2 năm nay. Qua hội chẩn xác định, tình trạng đục thủy tinh thể của bệnh nhân là do dùng thuốc điều trị suy tủy chứa corticoides trong thời gian dài gây tác dụng phụ. Chúng tôi đã hội chẩn và chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật để ngăn chặn nguy cơ có thể dẫn tới mù lòa.”
Theo giải thích của BS Trần Văn Tây thì việc bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng tạm ứng viện phí trong quá trình điều trị là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi biết khoản 3 triệu đồng bệnh nhân đã đóng là toàn bộ số tiền họ có được, BS Trần Văn Tây đã đề xuất với khoa, xin trả lại một phần tiền để người bệnh và thân nhân lo ăn uống, sinh hoạt. Ông buông tiếng thở dài theo cái lắc đầu đầy ái ngại vì không biết bệnh nhân của mình sẽ phải xoay xở ra sao khi chi phí của cuộc mổ sắp tới tốn gần 20 triệu đồng.
Đôi mắt của Luận đang mờ dần, có nguy cơ bị mù nếu không được phẫu thuật
Theo những lời tâm sự đẫm nước mắt của bà Hán Thị Liên, người em gái của bà là Hán Thị Sáu (45 tuổi) vốn bị khuyết tật khoèo chân tay bẩm sinh. “Nó chẳng làm được việc gì cả, đi lại cũng rất khó khăn, từ nhỏ đã phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình.” Năm 25 tuổi, với khát khao có một đứa con để bầu bạn và nương nhờ, bà Liên đã chủ định quan hệ với một người đàn ông, kết quả của mối sự vụng trộm ấy đã cho ra đời Hán Văn Luận.
Với thân phận của kẻ không cha, Luận lớn lên trong cảnh khốn khó, đến bữa ăn cũng phải cầu cạnh sự giúp đỡ của cô bác và bà con lối xóm. Học chưa hết lớp 3, em đã phải gác lại ước mơ đèn sách vì người mẹ quá nghèo không mua nổi quần áo và sách vở. Hơn 10 tuổi, cậu bé bắt đầu bước vào nghiệp chăn cừu mướn kiếm tiền nuôi người mẹ tật nguyền tại vùng quê nghèo thuộc huyện Ninh Phước, Ninh Thuận.
Năm 2008, bà Liên gặp người đàn ông cùng cảnh ngộ là Thủng Anh Giải, 2 người đã quyết định về sống với nhau như vợ chồng. Luận chia sẻ: “Bố dượng em cũng bị tật khoèo hai tay, chân chỉ bị khoèo nhẹ nên vẫn đi lại được nhưng chỉ có thể phụ nấu cơm, giặt đồ, quét nhà.” Hiện, Luận đã có thêm 1 đứa em cùng cha khác mẹ mới lên 6 tuổi.
“Việc chăn cừu tuy không vất vả nhưng đồng lương thấp lắm, nhà chủ chỉ trả cho em mỗi tháng 500 đến 600 nghìn nên năm 18 tuổi em định bỏ công việc này vào Bình Dương tìm việc làm gửi tiền về giúp gia đình.” Nhưng không ngờ, cùng thời điểm ấy căn bệnh quái ác bắt đầu hành hạ chàng trai trẻ. “Em thường xuyên bị sốt cao, đến bệnh viện của tỉnh khám bác sĩ không tìm ra bệnh nên phải chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nói em bị suy tủy, nhờ gia đình giúp đỡ em đã bớt bệnh sau gần 1 tháng nằm viện.” Luận tâm sự.
Từ đó đến nay, Luận phải liên tục uống thuốc ức chế miễn dịch và đến khoa Huyết học bệnh viện Chợ Rẫy tái khám định kỳ. Gần 1 tháng qua, những cơn sốt lại liên tục kéo đến nhưng không lo nổi tiền xe đi vào TPHCM nên Luận đành cắn răng chịu đựng. Để gia đình có cơm ăn qua ngày và đứa em được đi học, Luận phải lê mình theo đàn cừu trên những cánh đồng trong tình trạng 2 mắt mỗi ngày một mờ dần. Đến hôm, người dân dìu Luận về sau khi phát hiện em nằm co ro trên cồn cát trong tình trạng sốt hầm hập, người bác đã phải chạy khắp nơi mới vay được 3 triệu đồng đưa cháu vào Chợ Rẫy.
BS Trần Văn Tây cho hay, bệnh nhân cần được can thiệp sớm mới hy vọng giữ lại được thị lực. Chúng tôi đã hội chẩn và dự kiến sẽ tiến hành mổ phaco để điều trị đục thủy tinh thể đồng thời kết hợp với bắn laser để ngăn chặn tình trạng bệnh tái phát trở lại. Bên cạnh đó, để ngăn chặn từ gốc những biến chứng ảnh hưởng đến mắt, bệnh nhân cần được tiếp tục thăm khám, điều trị căn bệnh suy tủy tại khoa Huyết học.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Mã số 1799: Em Hán Văn Luận, khoa Mắt, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM
Hoặc: Thôn Tân Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Điện thoại: 01675.507.154