Chưa phối hợp đồng bộ
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp (DN) là nguồn vốn và nhiều vấn đề liên quan đến vốn vay ngân hàng như lãi suất, kỳ hạn nợ, điều kiện cho vay… Để giải quyết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có các chỉ đạo điều hành, UBND TPHCM cũng đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ giữa DN và ngân hàng, chỉ đạo các sở, ngành TP tiếp nhận và giải quyết những khó khăn của DN. Tuy nhiên, thực tế kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, qua nhiều đợt hạ lãi suất huy động từ 14% nay còn 9% và sau 4 đợt điều chỉnh lãi suất cho vay xuống mức 15% cho thấy quyết tâm lớn cũng như sự nhất quán trong điều hành tiền tệ. Tuy nhiên, sau mỗi lần ở trên ban hành văn bản nhưng ở bên dưới lại triển khai không kịp thời do không có sự phối hợp đồng bộ, dẫn đến niềm tin của cộng đồng DN đang bị bào mòn. Hậu quả là nhiều DN vẫn chưa được hưởng mức lãi suất 15%. Đại diện Tổng Công ty Bến Thành cũng cho rằng, lãi suất đang có xu hướng giảm nhưng không đáng kể, hiện nhiều DN thành viên vẫn vay vốn với lãi suất 18%.
Nhiều gói hỗ trợ với lãi suất 10% - 14%/năm
Về phía ngân hàng, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (Đông Á bank) khẳng định, các NHTM luôn đồng hành cùng DN, thể hiện qua việc các ngân hàng đều đã thực hiện các chủ trương, chính sách của NHNN là cơ cấu nợ; giảm, giãn nợ cho DN và mới đây nhất là đã giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm. Đông Á bank cũng đã chủ động làm việc với các DN bất động sản để giải quyết đầu ra, bằng cách cho người mua nhà vay với lãi suất 12%/năm trong năm đầu tiên với điều kiện DN phải giảm giá bán phù hợp với thị trường.
Đối với các khách hàng mới, Đông Á bank đã triển khai gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng cho vay tín chấp đối với các DN trẻ. Đến nay, đã giải ngân được 50 tỷ đồng và đang xem xét giải ngân thêm 300 tỷ đồng cho các DN tham gia.
Theo ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tất cả các chi nhánh của Sacombank đều đã giảm các khoản lãi vay cũ về 15% từ ngày 15-7 với tổng dư nợ hơn 8.000 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, ngân hàng đã dành hơn 1.500 tỷ đồng để giãn nợ cho DN. Từ ngày 10-7, Sacombank đã triển khai hỗ trợ gói 2.000 tỷ đồng và 50 triệu USD cho DN, hiện đã giải ngân 1.700 tỷ đồng và 45 triệu USD.
Ngày 26-7 vừa qua, Sacombank đã triển khai thêm gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các DN trên địa bàn TP với lãi suất 13% - 14%/năm đến cuối năm 2012, trong đó các DN sản xuất được ưu đãi lãi suất 13%/năm, dịch vụ 14%. Sacombank cũng đã hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối cho các công ty sản xuất để giải quyết hàng tồn kho của các DN.
Tương tự, ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, đến nay BIDV đã rà soát 28.000 khoản vay để đưa về lãi suất 15%/năm, hiện chỉ còn 6 khoản vay có lãi suất trên 15% vì dính đến nợ xấu. BIDV đang cố gắng cơ cấu lại để đưa mức lãi suất về 15% theo quy định. “Xác định chung tay và đồng hành cùng DN giải quyết khó khăn nên ngân hàng giảm 20% lợi nhuận so với năm 2011 do cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho DN” - ông Tùng cho biết.
Phát biểu kết luận, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, mặc dù chưa đáp ứng được 100% các khoản vay cũ của DN được đưa về mức lãi suất 15%, song các ngân hàng đã rất tích cực cơ cấu giãn nợ, khoanh nợ cũng như chấp nhận giảm lãi để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất thấp cho DN. Thống đốc khẳng định, việc đưa lãi suất cũ về 15% không phải là mệnh lệnh hành chính, cũng không thể bắt buộc các DN thực hiện mà NHNN chỉ kêu gọi các ngân hàng chung tay thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Thông qua hội nghị kết nối ngân hàng và DN, nhiều ngân hàng đã kêu gọi các DN hãy phản ánh thẳng thắn hơn nữa những khó khăn vướng mắc để cùng chia sẻ khó khăn, đồng lòng thực hiện tốt các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
“Nếu lạm phát năm nay kiềm chế ở mức dưới 7% thì cuối năm nay lãi suất huy động sẽ giảm xuống 8%. Đây sẽ là điều kiện để có thể tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay xuống nữa. Nếu lạm phát được kiềm chế ở mức 4% - 6%, lãi suất huy động ở mức 7% thì lãi vay hoàn toàn có thể kéo xuống dưới 10%, nhanh nhất là vào giữa năm 2013, với điều kiện thực hiện đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Bằng không mục tiêu này sẽ đạt được trong 2 năm tới”
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình
“Tại TPHCM, tổng dư nợ cho vay thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên đã đạt gần 27.000 tỷ đồng. Nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi từ 11%-13%/năm. Liên quan đến cơ cấu lại nợ cho DN, đến nay tổng dư nợ cơ cấu lại nợ trong tháng 6-2012 tại TPHCM khoảng 10.000 - 12.000 tỷ đồng”
Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Tô Duy Lâm